Khoáng chất và cuộc sống con người (phần 1)


Khoáng chất với cuộc sống của con người

Khoáng chất

1.    Khoáng chất (Mineral) là gì?

Khoáng chất là một nhóm các chất cần thiết không sinh năng lượng nhưng giữ vai trò trong nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể.

2.    Có bao nhiêu loại khoáng chất?

Cơ thể con người có gần 60 nguyên tố hóa học. Về phương diện dinh dưỡng, khoáng chất được chia ra làm 2 nhóm, căn cứ theo nhu cầu của cơ thể: 

•    Vĩ khoáng (macrominerals) hay khoáng chất đa lượng, là những chất mà cơ thể cần đến với lượng khá lớn, mỗi ngày có thể trên 250 mg. Đó là Calci, phosphor, sulfur, magnesium và ba chất điện phân natri, chlor và kali.

•    Vi khoáng (microminerals) hay khoáng chất vi lượng tuy rất cần thiết nhưng nhu cầu không nhiều, mỗi ngày chỉ cần dưới 20 mg. Như là sắt, đồng, bạc, kẽm, crom, magan, selen, cobalt, fluor, silic, molybden, boron…

Hàm lượng các chất khoáng trong các mô không giống nhau. Xương chứa nhiều chất khoáng nhất còn da và mô mỡ chỉ chiếm dưới 0,7%. Một số khoáng chất nằm trong các liên kết hữu cơ như iot trong thyroxin, sắt trong hemoglobin, còn phần lớn các khoáng chất đều ở dạng muối. Nhiều loại muối này hòa tan trong nước như natri clorid, canxi clorid, nhiều loại khác rất ít tan. Quan trọng nhất là canxi photphat, magie photphat của xương.

3.    Sự hấp thu khoáng chất

Khoáng chất được ruột non hấp thu từ thực phẩm, rồi dự trữ và lưu truyền trong máu, trong các loại tế bào. Phần không dùng đến sẽ được nước tiểu loại ra ngoài. Khi số lượng khoáng chất mang vào cơ thể quá cao và được giữ lại quá lâu thì chúng có thể gây ra một số tác hại.

Cơ thể có thể tạo ra một vài loại sinh tố nhưng không sản xuất được một khoáng chất nào.

Khoáng chất không phải chỉ có trong thực phẩm mà còn thấy trong đất như là sắt, kẽm…Cây cỏ kết hợp khoáng chất từ đất vào các tế bào của chúng. Do đó, trái cây, các loại rau, hạt là nguồn cung cấp khoáng chất rất phong phú.

Rau quả chứa nhiều khoáng chất

Rau quả tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất

4.    Công dụng của khoáng chất

-    Các muối photphat và cacbonat của canxi, magie là thành phần cấu tạo xương, răng, đặc biệt cần thiết ở trẻ em, phụ nữ nuôi con bằng sữa. Khi thiếu canxi, xương trở nên xốp, mô liên kết biến đổi. Quá trình này xảy ra ở trẻ em làm xương bị mềm, biến dạng (còi xương). Những thay đổi này trở nên nghiêm trọng khi có kèm theo thiếu vitamin D. Ngoài ra, canxi còn tham gia điều hòa quá trình đông máu và giảm tính kích thích thần kinh cơ.

-    Photpho là thành phần của một số men quan trọng tham gia chuyển hóa protein, lipit, gluxit, hô hấp tế bào và mô, các chức phận của cơ và thần kinh. Để đốt cháy các chất hữu cơ trong cơ thể, mọi phân tử hữu cơ đều phải qua giai đoạn liên kết với photpho (ATP).

-    Để duy trì độ ph tương đối hằng định của nội môi, cần có sự tham gia của khoáng chất, đặc biệt là các muối photpho, kali, natri. Để duy trì áp lực thẩm thấy giữa trong và ngoài tế bào, cần có sự tham gia của chất khoáng, quan trọng là NaCl và KCl. Natri còn tham gia vào điều hòa chuyển hóa nước, có ảnh hưởng tới khả năng giữ nước của các protein – keo. Đậm độ Na+ thay đổi dẫn đến cơ thể mất nước hay giữ nước.

-    Một số khoáng chất tham gia thành phần một số hợp chất hữu cơ có vai trò đặc biệt. Sắt với hemoglobin và nhiều men oxy hóa trong hô hấp tế bào, thiếu sắt gây thiếu máu. Iot với tiroxin là hormone tuyến giáp trạng, thiếu iot là nguyên nhân bệnh bướu cổ địa phương. Cu, Co là các chất tham gia vào quá trình tạo máu.

-    Hiện nay vai trò của khoáng chất nhất là các vi yếu tố còn chưa được biết đầy đủ.

Theo Lương y Hoàng Duy Tân

Để lại bình luận

Scroll