1. Bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì
Tự kỷ được cho là bệnh lý của não vì có rối loạn phát triển thần kinh (như có thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương, thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh) do có những gen bất thường.Tuy nhiên những vấn đề nêu trên vẫn đang là giả thuyết. Tỉ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên với tần xuất gặp 1 trên 100 trẻ, trong đó tự kỷ điển hình chiếm 16,8% .Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.
2. Tại sao nói bệnh tự kỷ ở trẻ em là căn bệnh của thời đại số
Một thống kê gần đây của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ trẻ bị bệnh tự kỷ đang ngày càng tăng. Cứ 88 trẻ thì có một em bị bệnh tự kỷ. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỉ lệ cao nhất ở trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường.
Thực tế bệnh tự kỷ không phân biệt trẻ em nhà giàu hay nghèo. Tuy nhiên, các bác sĩ ghi nhận, phần lớn trẻ tự kỷ là con các gia đình giàu có, cha mẹ thành đạt, nổi tiếng hoặc luôn bận rộn với công việc, ít có thời gian dành cho con. Theo giải thích của các chuyên gia, về mặt phân tâm học, tách trẻ ra khỏi hơi ấm của cha, mẹ quá sớm sẽ khiến trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, trẻ dần dần tự cô lập, nếu có sẵn những yếu tố tự kỷ thì bệnh sẽ mau nặng lên. Trẻ được bao bọc quá kỹ lưỡng trong điều kiện vật chất dư thừa, nhưng không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, không được hoạt động, tương tác với trẻ khác, cũng khiến hội chứng tự kỷ thêm trầm trọng.
Có thể lý giải hiện tượng trẻ em nông thôn ít bị bệnh tự kỷ hơn là bởi trẻ nông thôn có điều kiện giao tiếp với cộng đồng thuận lợi hơn, được vận động, vui chơi với những trẻ em khác thoải mái hơn, từ đó sẽ phát triển bình thường, hoặc bị tự kỷ nhẹ thì bệnh có thể hoàn toàn tự khỏi.
3. Phân loại các loại bệnh tự kỷ ở trẻ em
Theo lâm sàng, các loại tự kỷ bao gồm:
- Tự kỷ điển hình (tự kỷ Kanner): bao gồm các dấu hiệu bất thường ở cả 3 lĩnh vực, khởi phát trước 3 tuổi.
- Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao): kém tương tác xã hội, nói được nhưng giao tiếp bất thường, không chậm nhận thức, xuất hiện sau 3 tuổi.
- Hội chứng Rett: trẻ gái bị mắc, sự thoái triển xảy ra khi trẻ 6 – 18 tháng, động tác định hình ở tay, vẹo cột sống, đầu nhỏ, chậm trí tuệ mức nặng.
- Rối loạn phân rã tuổi ấu thơ: sự thoái lùi phát triển nặng xảy ra trước 10 tuổi.
- Tự kỷ không điển hình: chỉ có bất thường một trong 3 lĩnh vực, là tự kỷ mức độ nhẹ.
Theo khả năng trí tuệ và phát triển ngôn ngữ lại chia ra
- Tự kỷ có trí thông minh cao và nói được
- Tự kỷ có trí thông minh cao nhưng không nói được
- Tự kỷ có trí tuệ thấp và nói được
- Tự kỷ có trí tuệ thấp và không nói được
Để phòng rối loạn tự kỷ, cha mẹ cần lưu ý đảm bảo thai sản an toàn cho người mẹ, hạn chế sinh con khi cao tuổi, tránh các yếu tố bất lợi của môi trường sống. Quan tâm tác động sớm tới trẻ trong chơi tương tác, vận động và phát triển giao tiếp.