Chỉ riêng tại TP HCM, đến ngày 31-10 đã phát hiện thêm 12 ca mắc virus Zika, nâng tổng số ca mắc Zika ở TP lên con số 17
Ngày 31-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có cuộc họp khẩn với Sở Y tế, Viện Pasteur TP HCM nhằm tìm các giải pháp hạn chế sự lây lan của virus Zika.
Rải rác khắp thành phố
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus Zika. Trong đó có 17 trường hợp ở TP HCM; số còn lại ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đắk Lắk.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định do TP HCM có mật độ dân số đông nhưng vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao nên dễ xảy ra dịch. Ngoài ra, TP cũng đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), có cùng một phương thức truyền bệnh chính là qua muỗi vằn nên việc phát sinh thêm trường hợp nhiễm virus Zika là khó tránh khỏi.
Ông Phu yêu cầu khẩn trương tìm các biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ mang thai sau khi tại Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp đầu tiên 1 bé gái bị đầu nhỏ do mẹ mắc virus Zika trong lúc mang thai.
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, các ca bệnh phân bổ rải rác khắp nơi ở TP, được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh mà ngành y tế TP đã triển khai mấy tháng qua. Giai đoạn gần đây, số ca mắc đang tăng nhanh chóng.
Ưu tiên bảo vệ thai phụ
PGS-TS Phan Trọng Lân khuyến cáo cần bảo vệ phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 2 tháng và 3 tháng đầu thai kỳ, tức không đi lại vùng có dịch và phòng muỗi đốt. Đối với nam giới, khi quyết định có con thì cần tầm soát, nếu mắc Zika phải sau 6 tháng mới có thể có con.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, cho rằng ngoài phụ nữ mang thai, các đối tượng khác không nên quá lo lắng vì Zika. Bởi lẽ người bình thường nếu mắc phải Zika thì bệnh cũng thường không nặng, các triệu chứng khá giống với SXH. Do vậy, nếu mắc bệnh thì cần được chăm sóc, theo dõi để đề phòng các biến chứng tương tự với người mắc SXH hay các dạng sốt siêu vi khác. Cách phòng Zika cũng tương tự phòng SXH gồm: diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng, mặc quần dài, áo dài tay cho trẻ em vào buổi tối…
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết với Zika, thai phụ không nên quá lo lắng bởi đây không phải là căn bệnh phổ biến. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống luôn cần thiết và thai phụ cần tự bảo vệ mình phù hợp với hoàn cảnh một khi đã nhận biết đường lây chủ yếu do muỗi vằn.
Muỗi vằn không chỉ mang đến Zika mà còn gây nên bệnh SXH. Thai phụ mắc SXH trong giai đoạn chuyển dạ, khi sinh con có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm được (băng huyết), nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài ra, còn nhiều căn bệnh khác do siêu vi gây ra có thể ảnh hưởng đến thai kỳ nên thai phụ - sản phụ cần có sự phòng bị chung. Nếu đang mang thai mà thấy có hiện tượng sốt, phát ban…, thai phụ nên đi gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và có cách can thiệp kịp thời, an toàn nhất cho cả mẹ và bé.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan, tăng cường diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt; nên sinh hoạt tình dục an toàn để phòng tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.
Theo GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ có thể đến 30 bệnh viện tại TP để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là phát ban và có ít nhất 2 trong 4 triệu chứng gồm sốt dưới 38 độ C, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ. Các mẫu máu từ bệnh viện được chuyển tới Viện Pasteur TP HCM để xét nghiệm.