1. Bệnh Gout là gì?
Bệnh Gout là bệnh rối loạn chuyển hoá liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của acid uric) hoặc tinh thể acid uric. Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi 40 trở lên, thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.
Nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần dẫn đến biến dạng, cứng khớp. Nếu lắng đọng ở thận sẽ gây ra bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận...).
2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh Gout
Những khối tinh thể muối urat tích tụ ở các khớp xương chính là nguyên nhân dẫn đến sự viêm, sưng tấy cũng như đau nhức cho người bệnh. Sự tích tụ nhiều tinh thể urat ở các khớp làm cho khớp sưng lên, ngoài ra, sự gia tăng acid uric trong máu sẽ lắng đọng urat trong thận gây ra bệnh sỏi thận.
Có hai loại bệnh Gout - đó là cấp tính và mạn tính:
- Khi bị Gout cấp tính, người bệnh thường xuất hiện những cơn đau khớp dữ dội, rát bỏng. Các triệu chứng này thường xuất hiện vào khoảng nửa đêm hoặc gần sáng, nhất là sau các bữa ăn có nhiều đạm, uống bia, rượu. Các khớp bị đau có hiện tượng viêm rõ rệt (sưng, nóng, đỏ, đau) và thường đau ở khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp gối và đặc biệt là khớp ngón chân cái (ở nữ thường đau các khớp ngón tay). Đối với gout cấp tính, acid uric trong máu thường tăng cao.
- Đối với người mắc Gout mạn tính sẽ thường bị đau một số khớp xương nhưng không phải đau thường xuyên mà đau tái đi tái lại nhiều lần. Mỗi lần lên cơn đau có khi không điều trị gì cũng tự khỏi, triệu chứng không rầm rộ như Gout cấp tính, chính vì vậy mà người cao tuổi khi mắc bệnh gout rất dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp vì triệu chứng khá giống nhau.
Bệnh Gout về lâu dài sẽ có những biến chứng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác vì bản chất của các hạt lắng đọng là tinh thể urat, có khả năng làm biến dạng các khớp, dần dần sẽ làm hạn chế vận động của khớp, đi lại khó khăn, nặng hơn nữa là gây tàn phế. Trong trường hợp, các hạt lắng đọng bị vỡ sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.
Bệnh Gout mạn tính có thể gây lắng đọng muối urat trong thận gây ra bệnh sỏi thận, gây viêm thận kẽ, suy thận, có thể làm tăng nguy cơ thận ứ nước, ứ mủ dẫn đến suy thận, tăng huyết áp.
Trường hợp sạn urat lắng đọng ở dưới da sẽ gây nổi cục di động được dưới vành tai, mỏm khuỷu, xương bánh chè hoặc gần gân gót.
Ngoài ra, biến chứng của bệnh Gout có thể xảy ra do dùng thuốc điều trị, điển hình là gây dị ứng, nhất là loại allopurinol hoặc tác dụng phụ của các thuốc chống viêm corticoid hoặc không steroid làm tổn hại đến hệ tiêu hóa, máu, thận...
3. Những nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout
- Có tiền sử gia đình bị bệnh Gout.
- Thừa cân và béo phì.
- Ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều đạm
- Nghiện rượu, nghiện cà phê.
- Dùng nhiều thuốc lợi tiểu như hypothiazid, lasix... có thể làm tăng acid uric và gây ra các đợt Gout cấp tính.