Hệ miễn dịch gồm các yếu tố miễn dịch cytokin, interleukin... điều tiết tế bào miễn dịch (qua sự kích hoạt, ức chế). Cơ thể đáp ứng miễn dịch bằng cách: tiết ra kháng thể đặc hiệu trung hòa khả năng gây nhiễm khi vi sinh chưa thâm nhập vào tế bào hoặc tiết ra kháng thể đặc hiệu tiêu diệt vi sinh khi mới sơ nhiễm.
Các thuốc tăng cường miễn dịch
Vaxin chủ động tạo ra miễn dịch
- Vacxin phòng bệnh (miễn dịch chủ động): Vacxin được sản xuất từ vi sinh đã được giảm hoạt lực hay gen kháng nguyên chiết từ vi sinh khi tiêm vào cơ thể. Hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện, ghi nhớ kháng nguyên và sản xuất ra kháng thể đặc hiệu.
- Vacin chống ung thư: tổng hợp ra một phân tử, rồi gắn vào bề mặt chất chỉ điểm đặc hiệu của một loại tế bào ung thư nhất định làm cho bề mặt phân tử ấy có hình thái giống với bề mặt tế bào ung thư. Dùng nó như một kháng nguyên nhân tạo để điều chế vacxin.
Ví dụ, vacxin chống ung thư phổi (Cima Vax EGF- Cuba, 2007), vacxin chống ung thư nguyên bào xốp đa hình thái (GMB - Mỹ, 1998) đều làm tăng miễn dịch bằng cách tạo ra các kháng thể đặc hiệu chống ung thư.
Thuốc tăng cường miễn dịch
Các thuốc này có tác dụng tăng cường miễn dịch bằng cách tăng các chức năng hoạt động chung của cơ thể, làm cho cơ thể mạnh lên, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch hoặc hoạt hóa các cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể.
- Interferon: là cytokin tự nhiên, điều tiết miễn dịch bằng cách tăng hoạt tính đại thực bào, tăng tính độc hại tế bào đặc thù của tế bào miễn dịch đối với các tế bào đích và chống virut, chống ung thư bằng cách ức chế sự sao chép virut, ngăn chặn sự nhân đôi, chống tăng sinh tế bào. Các interferon sinh tổng hợp giống như interferon tự nhiên, dùng để tăng miễn dịch chống virut (như trong điều trị viêm gan B mạn, viêm gan C mạn); ngăn cản sự phát triển ung thư (như trong điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, bệnh đa u tủy xương…).
- Một số vitamin: Có 80 bệnh liên quan đến gốc tự do và 100 loại hóa chất tích tụ trong mỡ làm suy giảm miễn dịch. Một số vitamin E, C, beta-caroten có tính năng chống gốc tự do nên tăng cường miễn dịch. Vitamin C tan trong nước, khử gốc tự do ngay khi chúng ở tại dịch ngoài tế bào.Vitamin E, beta-caroten tan trong dầu, khử gốc tự do tại màng lipid của tế bào. Mỗi loại còn có cơ chế riêng: beta-caroten trực tiếp làm tăng tế bào T của hệ miễn dịch nên tăng sự sản xuất kháng thể. Vitamin C có chức năng tạo miễn dịch, đồng thời tham gia vào nhiều chức năng hoạt động (sinh năng lượng, trung hòa chất độc, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, tăng hấp thu canxi, sắt..) làm cơ thể mạnh lên, tăng đáp ứng miễn dich.
- Một số nguyên tố vi lượng: có vai trò tăng cường miễn dịch, ví dụ: kẽm có trong thành phần của 80 loại enzym trong cơ thể, giúp tăng trưởng, làm cơ thể mạnh lên, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch. Kẽm cùng với vitamin A, B6, E giúp tuyến ức (thymus) tăng khả năng miễn dịch. Khi thiếu kẽm (dưới 70mcg/100ml máu) trẻ sẽ bị thấp, nhẹ cân, dễ bị bệnh, cần bổ sung kẽm đến ngưỡng. Hay selen cũng là vi chất tham gia vào nhiều quá trình sinh học, trong đó có quá trình điều khiển tổng hợp globulin miễn dịch, chống gốc tự do. Thiếu selen sẽ suy giảm miễn dịch, dễ bị bệnh.
- Dược thảo có tác dụng tăng cường miễn dịch: các loại thực phẩm như tỏi, hành, kinh giới rất giàu chất flavonoid và giúp ngăn ngừa sự phát triển của các siêu vi trong cơ thể và sự tạo các gốc tự do. Tỏi đã được sử dụng như một gia vị và “thuốc” có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng siêu vi trùng và ký sinh trùng cùng với tác dụng tăng sức đề kháng, rất hiệu quả trong các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp, ho gà... và đã được chứng minh là có tác dụng tăng số lượng tế bào miễn dịch T- killer tự nhiên. Kinh giới đã được nhân dân ta sử dụng từ bao đời nay làm thuốc giải cảm, giảm sốt, chống dị ứng.
Dùng thuốc như thế nào?
Đối với các vitamin và khoáng chất nên bổ sung bằng thực phẩm: ăn nhiều rau xanh, hoa quả… Chỉ bổ sung bằng thuốc cho những cơ thể bị thiếu các chất này. Vì nếu bổ sung thừa sẽ gây nên các hậu quả do thừa các chất đó hoặc sẽ gây rối loạn trong cơ thể. Ví dụ, thừa canxi thai nhi sẽ bị cốt hóa, canxi đọng ở thận gây sỏi thận, đọng ở mạch máu góp phần gây xơ vữa mạch máu và nguy cơ tăng huyết áp; đọng ở vỏ não (ở người già trên 70 tuổi) góp phần gây nguy cơ mắc hội chứng Alzheimer.
Đối với các interferon chỉ dùng khi thật cần thiết, dùng đúng thời điểm. Ví dụ, chỉ dùng interferon khi virut viêm gan B đang sinh sôi, có dấu hiệu lâm sàng; chứ không dùng khi cơ thể đã có đủ miễn dịch tự nhiên, khống chế làm cho virut nằm im, không sinh sôi, không có triệu chứng lâm sàng.
Theo Sức khỏe và Đời sống.