Lựa chọn kem chống nắng phù hợp


Như chúng ta đã biết, ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia tử ngoại (UVA, UVB). Ánh nắng trực tiếp chiếu vào da sẽ gây ra tác hại rất lớn đối với da như da bị đen sạm, nám, thô ráp, sần sùi, lão hóa nhanh chóng, và nguy hiểm hơn là bệnh ung thư da. Không chỉ ánh nắng chiếu trực tiếp mà ngay cả ánh phản chiếu của tia tử ngoại ở mặt đất, trên cát, trên nước, trên cỏ hay ngay cả trên tuyết cũng gây hại cho da. 

Để tránh những tác hại của ánh nắng mặt trời chúng ta không nên phơi nắng quá nhiều trong những ngày hè nắng gắt. Nếu buộc phải làm việc ngoài trời, bạn cần phải có các biện pháp che chắn như mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng là ưu tiên hàng đầu.

Các biện pháp bảo vệ phòng tránh ung thư da

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kem chống nắng, bạn đang phân vân không biết lựa chọn kem chống nắng nào và loại nào phù hợp với bạn? Sau đây là một số gợi ý dành cho bạn.

1. Dựa vào chỉ số của kem chống nắng. 

Các loại kem chống nắng khác nhau sẽ có chỉ số SPF và PA khác nhau. 

- Chỉ số SPF đo khả năng chống tia UVB. Chỉ số SPF càng cao sẽ càng bảo vệ da lâu hơn. Theo đơn vị quốc tế: 1 SPF = 15 phút (vậy 15 SPF = 3 giờ 45 phút), khoảng thời gian chống nắng tối đa của sản phẩm nếu thoa đúng độ dày 0,2 mm kem lên da. Tuy nhiên tác dụng này không ổn định do bụi bẩn, mồ hôi, quần áo và môi trường nước.

Nếu bạn muốn tăng hiệu quả bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời chỉ nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 30-50 là phù hợp nhất, còn các chỉ số cao 60-100 chỉ nên sử dụng ở những vùng da đặc biệt như đang điều trị nám hay dị ứng ánh nắng thôi.

- Chỉ số PA đo khả năng chống tia UVA.

     PA+       Bảo vệ khỏi tia UVA (40-50%)                                   
     PA++     Bảo vệ khỏi tia UVA cao (60-70%)
     PA+++  Bảo vệ khỏi tia UVA hoàn hảo (90%)

Bạn nên chọn loại kem chống nắng có cả 2 chỉ số SPF và PA để được bảo vệ một cách tốt nhất. Tất cả các loại kem chống nắng đều chống được UVB, nhưng không phải loại nào cũng chống được UVA. 

Các sản phẩm chống nắng bảo vệ da khỏi cả 2 tia UVA và UVB trên bao bì thường ghi như sau:

Chỉ số kem chống nắng UVA/UVB

2. Dựa vào thành phần của kem chống nắng 

Trên thị trường, căn cứ vào thành phần cấu tạo, kem chống nắng chia thành 2 loại sau:

+ Sunblock (chống nắng vật lý): tạo lớp màng chắn bảo vệ giúp ngăn chặn, phát tán và phản xạ tia UV, khiến chúng không thể xuyên qua da được. Kem nằm trên bề mặt da như một lớp áo, một bức tường có khả năng phản xạ lại tia cực tím.

Thành phần: Zinc Oxide hoặc Titanium Oxide. Các chất này đều không hấp thụ vào da vì chúng chỉ nằm trên bề mặt da. Vì vậy, khi thoa kem chống nắng dạng này bạn phải thoa 1 lớp kem dày hơn và đều khắp bề mặt da. 

Ưu điểm: sunblock bảo vệ rất lâu nên ít phải thoa lại nhiều lần.

Nhược điểm: sunblock tạo lớp màng trắng khi thoa lên da khiến da thiếu tự nhiên.

+ Sunscreen (chống nắng hóa học): hoạt động như màng lọc hóa học, hấp thu rất tốt tia UVB, nhưng thường chỉ lọc được một phần UVA. 

Thành phần: Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone, Octylcrylene, Benzophenone, Aminobenzoic acid, Cinoxate, Mexoryl SX, Phenylbenzimiazole Sulfonic Acid, Homosalate, Menthyl Anthranilate, Octocrylene, Octyl Methoxycinnamate, Octyl Salicylate, Padimate O, Dioxybenzone, Trolamine Salicylate ...

Ưu điểm: Độ thẩm thấu cao, lớp kem sunscreen mỏng nhẹ nên khi thoa lên da nhìn tự nhiên hơn sunblock. 

Nhược điểm: Kem không bám bền trên da nên bạn phải thoa lại sau 2 – 3 giờ. 

Kem chống nắng bảo vệ da

Kem chống nắng bảo vệ da khỏi các bức xạ UV

3. Dựa vào đặc điểm của làn da 

- Đối với da nhạy cảm: Không nên chọn loại kem chống nắng mà thành phần có chứa Acid para-aminobenzoic (PABA), vì dễ bị dị ứng với các thành phần này.
Để an toàn cho da, trước khi sử dụng một loại kem chống nắng nào đó, nên bôi thử một lượng nhỏ vào vùng mặt trong cẳng tay và kiểm tra xem da có bị kich ứng hay mẩn đỏ không. Nếu không có biểu hiện ngứa, nổi mẩn đỏ thì có thể dùng được. 

- Đối với da khô: nên chọn kem chống nắng có chứa chất dưỡng ẩm cho da là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, da khô dễ bị lão hóa và nhăn nheo sau khi phơi nắng nên dù bạn có sử dụng kem chống nắng chứa chất dưỡng da thì vẫn nên thoa thêm kem dưỡng trước khi dùng kem chống nắng.

- Đối với da nhờn (da dầu):
Da dầu mà bị lớp kem chống nắng bám trên mặt thì sẽ nhớp nháp rất khó chịu. Còn chưa tính đến việc khi thoa lớp kem, tạo ra lớp màng trắng hơn màu da, sẽ bị lớp dầu biến thành loang lổ, không đều màu (đúng là thảm họa). 

Nên chọn các loại kem chống nắng có chứa từ “No Sebum” (không gây nhờn) hoặc "Oil Free" (không dầu) trên bao bì, hoặc các loại kem chống nắng dạng gel, nước hoặc dạng xịt để tránh gây bí da. Nếu bạn không có vấn đề về mụn hoặc da quá nhạy cảm thì kem chống nắng hóa học với kết cấu mỏng nhẹ và khả năng thấm hút nhanh là sự lựa chọn phù hợp với bạn.

- Đối với da mụn:

Rất khó để chọn kem chống nắng cho da mụn vì da luôn cần thông thoáng lỗ chân lông và tránh viêm nhiễm.
Cần chọn kem chống nắng có viết trên nhãn là “Non-comedogenic” (không gây mụn), tránh xa khỏi các loại kem chứa chất dẫn xuất, mùi hương, oxybenzone, cồn và PABA. Ngoài ra, cũng không nên dùng những loại kem nhờn, bóng, dạng gel mà thay vào đó là kết cấu kem nhẹ và không chứa dầu.

Với da mụn và dễ bị bít lỗ chân lông thì kem chống nắng vật lý (Sunblock) là sự lựa chọn tốt hơn hẳn kem chống nắng hóa học (Sunscreen).

- Ngoài ra, tùy theo sắc tố da mà sử dụng kem có chỉ số SPF cho phù hợp. Làn da càng sáng màu, càng dễ bắt nắng nên chọn loại chỉ số cao hơn da sậm màu. Đối với làn da sáng màu, có thể chọn loại kem có chỉ số SPF 30 trở lên, còn với làn da tối màu thì nên dùng những loại kem có chỉ số SPF 20 thôi.

4. Mục đích sử dụng

-  Kem chống nắng khi đi bơi, khi tập thể thao:

Khi tiếp xúc với nước thì tất nhiên kem chống nắng chống nước là lựa chọn số 1. Đó là những loại có ghi: “Water Resistant” hoặc “Water Proof” trên bao bì. Những loại này có thể chống được tối đa khoảng 40’ đến 1h và sau đó bạn cần thoa lại để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất.

- Kem chống nắng khi trang điểm:

Nếu bạn là người hay trang điểm, nên chọn kem chống nắng vật lý. Vì không thể bôi kem chống nắng lên trên lớp trang điểm, lại cũng không thể cứ 2h lại tẩy trang để bôi kem chống nắng rồi trang điểm lại được. Nếu da nhiều dầu và sợ giảm tác dụng của kem chống nắng thì bạn có thể dùng giấy thấm bớt dầu rồi phủ lại phấn có chỉ số SPF15-20 là đủ (phần lớn các loại phấn phủ đều có SPF nằm trong khoảng đó). Còn nếu da bạn không đổ dầu và không có quá nhiều mồ hôi thì cứ để yên vậy thôi.

Nếu bạn không hoặc ít trang điểm, da có dầu và ghét cảm giác vừa nhờn vừa bí thì có thể chọn kem chống nắng hóa học và nhớ bôi lại kem sau 2-3h nếu ở ngoài nắng. Còn nếu không phải đi ra ngoài, không đổ mồ hôi hay tiếp xúc với nước thì chỉ phải bôi lại sau 3-4h (nhớ rửa mặt, thấm da khô bớt rồi mới bôi kem).

- Cần lựa chọn loại kem chống nắng dành riêng cho da mặt và toàn thân để đạt được hiệu quả chống nắng tốt nhất, không nên dùng chung một loại vì tác dụng của nó hoàn toàn khác nhau.

Thông thường trên các lọ kem chống nắng đều ghi là “có thể thoa lên mặt và những vùng da tiếp xúc với ánh nắng”. Nhưng vùng da mặt thường mỏng và dễ bị kích ứng, nên dùng loại chống nắng dành riêng cho mặt vì chúng có thêm tinh chất dưỡng da, chỉ số SPF tốt nhất là khoảng 20-40. Còn SPF cao hơn 40 thì nên dùng cho các vùng da khác trên cơ thể. Nếu sử dụng sai chỉ số có thể gây kích ứng và dễ nổi mụn. Liều lượng phù hợp nhất để thoa cho toàn bộ mặt là khoảng 2,5g.

Kem chống nắng cho da mặt

Kem chống nắng dành riêng cho da mặt

5. Một số lưu ý khác khi mua kem chống nắng

- Đừng quên xem kỹ hạn sử dụng, bởi nếu bạn dùng loại kem đã quá hạn, bạn sẽ không tránh khỏi những rắc rối mà nó có thể gây ra như dị ứng, mẩn đỏ, ngứa,...
Thông thường, giống như các loại mỹ phẩm khác, chỉ nên sử dụng kem chống nắng trong khoảng 6 - 8 tháng kể từ ngày mở nắp.

- Nên chọn kem chống nắng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, với các thương hiệu uy tín trên thị trường. Tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc ... kẻo tiền mất tật mang.

Đừng cho rằng những loại kem chống nắng càng đắt tiền thì mới là những loại kem tốt, điều này không hoàn toàn đúng, quan trọng là loại kem đó có phù hợp với bạn hay không.


 

Để lại bình luận

Scroll