Việc sử dụng thuốc cho trẻ không đúng chỉ dẫn cùng với sự hiểu biết không đầy đủ về thuốc gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc. Xin chia sẻ một vài điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ.
1. Cần đặc biệt thận trọng trong sử dụng thuốc cho trẻ
Vì cơ thể trẻ còn đang trong quá trình phát triển và phát triển chưa hoàn chỉnh nên dễ gặp những phản ứng bất lợi khi dùng thuốc. Nhiều trường hợp khi dùng thuốc, tác dụng phụ chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà lại không thấy ở người lớn.
Kháng sinh Tetracyclin có ái lực với canxi trong mô xương, răng đang phát triển nên tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi. Vì giai đoạn này xương và răng đang trong giai đoạn phát triển, nếu trẻ uống Tetracyclin, thuốc sẽ gắn với canxi của xương, gắn vào răng làm răng xỉn màu và làm hỏng men răng.
2. Tuyệt đối không được dùng thuốc cho trẻ nếu đã có cảnh báo “Chống chỉ định”
Trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nếu đã ghi “chống chỉ định cho trẻ nhỏ” có nghĩa là không được phép dùng cho trẻ và cha mẹ cần phải tuân thủ chống chỉ định đó vì nhà sản xuất đã nghiên cứu và thấy thuốc thực sự có hại cho trẻ hoặc thuốc chưa được thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ.
3. Thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong đơn thuốc
- Đúng thuốc – thành phần – hàm lượng ghi trong đơn
Phải kiểm tra thành phần – hàm lượng thuốc ghi trong đơn với thuốc cho trẻ uống để tránh uống nhầm thuốc.
- Đúng cách sử dụng, đúng dạng bào chế, đúng đường dùng
Dạng bào chế thích hợp dành cho trẻ thường là dạng lỏng siro, thuốc nhỏ giọt, hỗn dịch, nhũ dịch... không được tự ý dùng thuốc người lớn cho trẻ vì có thể chia liều không đúng hoặc làm hỏng dạng bào chế chuyên biệt của thuốc gây hại cho trẻ
- Dùng thuốc Đúng liều lượng (không ít hơn, không nhiều hơn trong đơn thuốc)
- Phải sử dụng đúng thời điểm, đủ thời gian quy định
4. Không được tự ý cho trẻ uống thuốc
Không được tự ý chẩn đoán và mua thuốc cho trẻ vì ngoài những tác dụng không mong muốn của thuốc đối với trẻ còn rất dễ gây lạm dụng thuốc, nhờn thuốc.
Không nên dùng lại đơn thuốc cũ để mua thuốc cho trẻ vì mỗi đơn thuốc bác sĩ kê chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định với một loại bệnh cụ thể.
5. Bảo quản thuốc đúng cách
Hầu hết các thuốc đều ghi cảnh báo “để xa khỏi tầm với của trẻ” để tránh cho trẻ tình cờ dùng thuốc mà thiếu sự kiểm soát của người lớn. Rất nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc khi sử dụng nhầm thuốc hoặc dùng quá liều.
Ngoài ra, việc bảo quản thuốc đúng cách còn giữ cho chất lượng thuốc được bảo đảm. Nhiều thuốc không được bảo quản theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất làm mất đi tác dụng của thuốc hoặc thuốc bị biến đổi thành những chất độc ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
PGS. TS Nguyễn Hữu Đức