Thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài việc tuân thủ phương pháp điều trị thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Một số thực phẩm bổ sung sắt mà người bệnh nên ăn như trứng, thịt bò, gan, các loại rau xanh đậm,...
Ảnh hưởng của thiếu máu thiếu sắt đến cơ thể
Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bản chất của bệnh lý này là hậu quả của thiếu hụt trữ lượng sắt trong cơ thể do nhiều nguyên nhân, đưa đến tổn thương nhiều cơ quan, trong đó thiếu máu là một biểu hiện thường thấy và bộc lộ rõ nhất. Bệnh gây ra những ảnh hưởng tới chức năng tâm thần, trí nhớ ở tuổi thiếu niên, cũng như mệt mỏi và giảm khả năng làm việc ở người lớn. Người bệnh thiếu máu thiếu sắt thường biểu hiện những triệu chứng như: mất ngủ, mệt mỏi, giảm tập trung, giảm chú ý và dễ bị kích thích, tóc dễ gãy rụng, tóc bạc, móng tay khô, có khía, mất bóng, nhiệt miệng,.... Trường hợp thiếu máu thiếu sắt nặng và kéo dài sẽ dẫn tới hiện tượng thiếu oxy trong máu có thể làm tổn thương các cơ quan của cơ thể như tim, não,...
Thiếu máu thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Trẻ em bị thiếu máu thường có kết quả học tập kém hơn, với người lao động sẽ ảnh hưởng tới công suất làm việc. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bổ sung sắt nhanh chóng và phòng ngừa bệnh tái phát.
Chế độ dinh dưỡng bổ sung sắt đối với người lớn
Đối với người lớn, chế độ dinh dưỡng bổ sung sắt cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo cân đối và đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo đó, chế độ dinh dưỡng cần cân đối giữa protein động vật và protein thực vật. Bên cạnh đó, việc bổ sung thực phẩm chứa sắt phải đảm bảo theo nhu cầu và khuyến nghị về tuổi, giới của người bệnh.
Một số loại thực phẩm bổ sung sắt cho người thiếu máu thiếu sắt bao gồm:
- Protein động vật
- Thịt: các loại thịt đỏ chứa nhiều sắt như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, gà tây, gan, tiết,... Số lượng cần sử dụng trong khoảng 45-60g protein tương ứng với 200-300g thịt/ngày.
- Hải sản: nhóm hải hải như cá thu, cá hồi, sò, ốc, hàu,... cần đảm bảo ăn 2-3 bữa/ tuần.
- Trứng: là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, glucid,... đặc biệt trong lòng đỏ trứng có chứa rất nhiều sắt, kẽm, canxi và vitamin A,... Theo đó, người bệnh nên ăn 2-3 quả trứng/ tuần.
- Protein thực vật:
- Rau màu xanh đậm: bao gồm họ rau cải như rau cải chân vịt, súp lơ, cải xoong,... Mỗi ngày, người bệnh thiếu máu thiếu sắt cần sử dụng từ 300-400g tương ứng với một bát con rau/bữa.
- Đậu đỗ và các loại hạt: đậu tương, đậu hà lan, lạc, hạnh nhân, hạt điều,...
- Các loại quả
Ngoài các loại protein động vật và thực vật thì các loại quả như nho, việt quất, lựu, cherry, dâu tây cũng rất tốt cho người thiếu máu thiếu sắt. Vì thế, bạn nên sử dụng từ 100-200g hoa quả chín/ngày. Bên cạnh đó, các loại quả này còn chứa nhiều vitamin C giúp cải thiện lưu lượng máu và tăng cường hấp thu sắt.
Ngoài ra, người bệnh thiếu máu thiếu sắt cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm làm ức chế khả năng hấp thu sắt như trà, cà phê,... Để kết quả điều trị đem lại hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, vệ sinh cá nhân và môi trường phòng ngừa nhiễm giun, sán.
Chế độ dinh dưỡng bổ sung sắt cho trẻ nhỏ
Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ chủ yếu là do thiếu sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng không phù hợp như uống sữa công thức không bổ sung sắt, ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật,... Ngoài ra, trẻ sinh non hay có các bệnh lý kèm theo như tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, nhiễm giun, chảy máu cam, hành kinh khi đến tuổi dậy thì cũng làm trẻ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần bổ sung sắt cho trẻ theo nguyên tắc bổ sung theo nhu cầu và khuyến nghị về cân nặng, chiều cao, tuổi và giới tính. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn đa dạng các nhóm chất như sữa mẹ, chất bột đường, protein, vitamin và khoáng chất, lipid. Tăng cường thực phẩm giàu sắt trong thực đơn hàng ngày. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thực phẩm giúp hấp thu sắt như các loại quả chứa nhiều vitamin C như nho, bưởi, nước cam, quýt,...
Một số thực phẩm trẻ nhỏ nên ăn giúp bổ sung sắt bao gồm:
- Sữa mẹ: các sản phụ nên thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và duy trì cho trẻ bú đến khi 2 tuổi.
- Sữa và chế phẩm từ sữa: sữa không chỉ chứa các loại khoáng chất bổ máu như photpho, canxi, magie,... mà còn giàu vitamin B12, vitamin A, vitamin C có vai trò quan trọng trong việc dự trữ sắt và hình thành hồng cầu, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả.
- Thịt đỏ và nội tạng: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, gan, thận, tim,...
- Trứng: Cha mẹ nên cho trẻ ăn từ 3-4 quả trứng/tuần.
- Cá và động vật có vỏ: cá cơm, cá mòi, cá mòi cơm, cua, tôm, hến,... Nên cho trẻ ăn 3-4 bữa cá/tuần.
- Các loại hạt: hạt óc chó, hạt điều, hạt hướng dương, đậu phộng, hồ đào, hạt mè,...
- Các loại rau xanh: bông cải xanh, cải xoong, cải bó xôi, cải xoăn,...
- Ngũ cốc và sản phẩm làm từ ngũ cốc: bánh mì, bột cám, bột ngô, yến mạch, lúa mạch đen,...
- Đậu và các loại đậu: đậu hà lan, đậu xanh, đậu nướng, đậu lăng, đậu mắt đen,...
- Trái cây sấy khô: nho khô, mơ, mận,...
- Socola, bột ca cao, bánh quy hạt gừng, bột cà rì,... cũng là một trong những thực phẩm ưa thích của trẻ có chứa hàm lượng sắt cao.
Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ ăn nhiều hoa quả bổ sung vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn. Bên cạnh đó, cần chú ý không cho trẻ sử dụng những loại thực phẩm hạn chế sự hấp thu sắt như uống coca, trà sữa,... Cha mẹ cũng đừng quên tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/ lần để phòng bệnh giun sán, giun móc,...
Thiếu máu thiếu sắt là một dạng thiếu máu phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, khi bị thiếu máu thiếu sắt, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung lượng sắt nhanh chóng và phòng ngừa bệnh tái phát. Nếu trong trường hợp cải thiện bằng chế độ dinh dưỡng không đem lại hiệu quả, bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt nên đến các cơ sở y tế để nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng Huyết học.