Viêm não mô cầu (hay màng não cầu) là bệnh trên người, do khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra với nhiều bệnh cảnh khác nhau (riêng rẽ hoặc phối hợp) tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục. Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lây lan nhanh, có khả năng phát triển thành dịch vì rất dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 36 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên 14 - 20 tuổi. Bệnh hay xảy ra và lan rộng tại khu vực công cộng đông đúc ở thành phố hơn là nông thôn. Các nhóm vi khuẩn não mô cầu thường gặp là A, B, C, Y, W-135, trong đó ở Việt Nam thường gặp A, B, C.
Viêm màng não mô cầu khó phát hiện, nhất là trong giai đoạn sớm bởi vì triệu chứng của bệnh gần giống triệu chứng của viêm màng não siêu vi thông thường khác. Bệnh viêm màng não mô cầu tỷ lệ tử vong rất cao, những bệnh nhân sống sót để lại di chứng nặng nề do tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan như thị giác, thính giác và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tâm sinh lý bệnh nhân.
Triệu chứng bệnh viêm màng não mô cầu
Diễn biến của bệnh nhanh và quái ác, bệnh ít gặp nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, thời gian chẩn đoán và điều trị chỉ trong vòng một ngày.
+ Triệu chứng sớm:
- Sốt cao 39 - 40 độ C
- Buồn nôn và ói
- Cáu gắt, ăn không ngon hoặc bỏ ăn
- Đau đầu, chóng mặt
- Đau họng, chảy nước mũi.
+ Triệu chứng đặc hiệu (xuất hiện muộn)
- Xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi
- Cứng gáy, đau cổ, co cứng
- Sợ ánh sáng
- Mê sảng, lú lẫn
- Co giật kiểu động kinh
- Mất ý thức, rối loạn cảm giác
Đường lây nhiễm
Những hoạt động hàng ngày có thể lây truyền bệnh như: Dùng chung ly, tách uống nước, sống trong khu tập thể, cắm trại, nhà trường, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, người hút thuốc lá hay tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá…
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu
Tất cả mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Chăm sóc cấp cứu ban đầu
- Cho uống thuốc hạ sốt
- Đặt bệnh nhân nằm nơi ánh sáng dịu (hơi tối)
- Nếu bệnh nhân ói đặt bệnh nhân nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi
- Đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời
Phương pháp phòng bệnh viêm màng não mô cầu
Tiêm vaccin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm màng não mô cầu.
Hiện nay trên thị trường có loại vaccin phòng bệnh viêm màng não mô cầu A+C và B+C. Nếu con bạn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu hãy đưa trẻ đến các địa điểm tiêm chủng để được Bác sĩ tư vấn và tiêm phòng bệnh cho trẻ.
Theo TTYT dự phòng TP. HCM
Để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Để tránh lây lan (qua đường hô hấp), cần đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, hạn chế chỗ đông người, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và ăn uống tốt để nâng cao sức đề kháng. |