1. Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng thế giới là gì?
Quốc tế Người tiêu dùng (tên tiếng Anh là Consumers International, viết tắt là CI) là một Liên hiệp của các tổ chức người tiêu dùng trên thế giới, nhằm bảo vệ và cổ vũ cho các quyền của người tiêu dùng trên toàn thế giới thông qua việc giúp đỡ các hội bảo vệ người tiêu dùng ở các quốc gia và tiến hành các chiến dịch trong phạm vi quốc tế. Hiện nay, Quốc tế Người tiêu dùng đã có 267 thành viên và ở 123 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
15.3 được dùng làm ngày quyền của người tiêu dùng thế giới
Quốc tế Người tiêu dùng có văn phòng khu vực ở Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh và Châu Âu. Văn phòng chính của Quốc tế Người tiêu dùng đóng ở Luân Đôn (Thủ đô nước Anh).
Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương của Quốc tế Người tiêu dùng được đặt ở Kuala Lumpur-Malaysia, có tên viết tắt là CI-ROAP. CI-ROAP là văn phòng khu vực đầu tiên của Quốc tế Người tiêu dùng, được thành lập năm 1974, đầu tiêu đặt ở Sigapore trong một thời gian ngắn, sau đó được chuyển đến Penang - Malaysia và từ năm 2000 đến nay được chuyển về Kuala Lumpur – Malaysia. CI-ROAP phụ trách 58 tổ chức Người tiêu dùng ở 22 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích cao nhất của CI-ROAP là nâng cao chất lượng cuộc sống khoảng 3 tỷ dân trong khu vực, đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội. Các hoạt động của CI có tính chất không vì lợi nhuận.
Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng thế giới từ năm 1991.
2. Vì sao ngày 15/3 được chọn là Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới hàng năm?
Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới bắt nguồn từ bài phát biểu của cố Tổng thống Mỹ John Kennedy tại Thượng viện Mỹ ngày 15 tháng 3 năm 1962 , cổ vũ cho 8 quyền của người tiêu dùng. Phản đối những bất công trong xã hội và lạm dụng trên thị trường làm hại đến người tiêu dùng.
Năm 1983, Liên hiệp quốc đã chính thức tuyên bố ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới.
Ngày nay, 8 quyền của người tiêu dùng đã được Liên hiệp Quốc và nhiều nước công nhận, là cơ sở cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của Quốc tế Người tiêu dùng và các tổ chức người tiêu dùng toàn thế giới.
Liên Hiệp quốc quy định 08 (tám) quyền, gồm: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe, quyền được khiếu nại và bồi thường, quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng, quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững và 05(năm) trách nhiệm của người tiêu dùng, đó là: Biết phê bình, biết hành động, quan tâm đến xã hội, hiểu biết về tiêu dùng, có ý thức cộng đồng cao.
3. Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới được tổ chức như thế nào ?
Việc tổ chức kỷ niệm Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới phụ thuộc vào kế hoạch và tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Hình thức tổ chức có thể thông qua các hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, ấn phẩm…Nội dung được quan tâm về vấn đề như tài chính, lương thực, hàng hóa, dịch vụ hoặc vạch trần các hoạt động quảng cáo, tiếp thị gian dối và tập trung tuyên truyền, phổ biến về các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân kinh doanh. Hiện nay, ở Việt Nam Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 8 quyền và 2 nghĩa vụ của người tiêu dùng và tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương mà mỗi năm có thể tập trung vào một số quyền của người tiêu dùng để tổ chức truyền thông nhân kỷ niệm Ngày quyền của Người tiêu dùng thế giới.
Năm 2014, Tổ chức Người tiêu dùng thế giới (CI) đã đưa ra Chủ đề Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới: “ Quyền của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số ” và phát động phong trào với khẩu hiệu “ Khẳng định Quyền điện thoại của chúng tôi ”. CI khuyến khích các tổ chức thành viên sáng tạo và đưa ra các hoạt động, chương trình đặc thù tại quốc gia mình nhằm hưởng ứng chủ đề chung đó. Ở Việt Nam, từ thực tiễn và hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2014, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa ra Chủ đề ngày 15/3/2014 là: “ Quyền được cung cấp thông tin chính xác và bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số ”, hướng tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ điện thoại di động, tăng cường sự công bằng và bảo mật thông tin cá nhân cho người sử dụng các dịch vụ thông tin, kỹ thuật số ./.
(Nguồn: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng)