NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ BỊ SUY DINH DƯỠNG
Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường gây chậm tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Ở mức độ nặng hơn suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp và tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật cho trẻ. Đánh giá một trẻ suy dinh dưỡng dựa vào các chỉ số:
-
Cân nặng theo tuổi
-
Chiều cao theo tuổi
-
Cân nặng theo chiều cao
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới suy dinh dưỡng là chế độ ăn uống của trẻ không đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu dẫn tới cơ thể không phát triển bình thường được. Một lý do khác là do trẻ biếng ăn, ăn không đủ chất. Nếu trẻ bị các căn bệnh như nhiễm ký sinh trùng đường ruột hoặc các bệnh khác gây cản trở việc hấp thu dưỡng chất thì cũng sẽ gây ra hậu quả là suy dinh dưỡng.
-
Trẻ sinh non hoặc mắc các dị tật bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch
-
Cai sữa quá sớm, nhất là khi cai sữa vào những ngày trẻ đang bị ốm hoặc nóng nực
-
Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, kiêng khem quá đáng
-
Trẻ ăn dặm quá sớm làm trẻ bú ít sữa mẹ, thiếu các chất dinh dưỡng và yếu tố miễn dịch
CÁC LOẠI SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ
Thông thường, suy dinh dưỡng ở trẻ được chia làm 3 loại: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể gầy còm.
-
Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: khi cân nặng của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị cân nặng theo tuổi của trẻ nằm dưới đường biểu diễn -2SD
-
Suy dinh dưỡng thể thấp còi: khi chiều cao của trẻ chỉ đạt dưới 90% so với mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị chiều cao theo tuổi của trẻ nằm dưới đường biểu diễn -2SD. Đây là thể suy dinh dưỡng mãn tính, biểu hiện thấp còi trên lâm sàng là hậu quả của một quá trình suy dinh dưỡng kéo dài trong những năm đầu đời, có khi bắt đầu sớm từ tình trạng suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ.
-
Suy dinh dưỡng thể gầy còm: khi cân nặng theo chiều cao của trẻ thấp hơn mức chuẩn của những trẻ cùng giới tính, tức là nằm dưới mức -2SD. Lúc này, cơ và mỡ bị teo đi nhiều. Đây là thể suy dinh dưỡng cấp tính, xảy ra trong thời gian ngắn.
Có một cách khác để phân loại suy dinh dưỡng ở trẻ em là dựa vào hình thái, chia làm 3 loại: suy dinh dưỡng thể teo đét, suy dinh dưỡng thể phù, suy dinh dưỡng thể hỗn hợp.
-
Suy dinh dưỡng thể phù: Đây là thể suy dinh dưỡng nặng. Nhìn bên ngoài, trẻ có vẻ mặt tròn trịa đầy đặn nhưng tay chân khẳng khiu, teo nhỏ, trương lực cơ giảm. Trẻ có các triệu chứng như phù, rối loạn sắc tố da với những đốm màu đỏ sẫm hoặc đen và các biến chứng như thiếu máu kéo dài, còi xương, thiếu vitamin A gây khô giác mạc, quáng gà. Trẻ hay quấy khóc, tóc thưa dễ rụng, móng tay dễ gãy, nôn trớ, ỉa chảy cũng có thể là những biểu hiện của bệnh. Bố mẹ nếu thiếu hiểu biết có thể rất dễ bỏ qua khiến việc điều trị cho trẻ bị chậm trễ. Suy dinh dưỡng thể phù điều trị khó và tỷ lệ tỷ vong khá cao. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng thể phù là do trẻ thiếu cung cấp protid, có thể kèm theo thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin và các muối khoáng
-
Suy dinh dưỡng thể teo: Đây là thể suy dinh dưỡng nặng, do trẻ không được cung cấp đủ năng lượng. Trẻ rất gầy, trông như da bạo xương, vẻ mặt già cỗi, mất toàn bộ lớp mỡ dưới da và thường xuyên gặp phải các chứng rối loạn tiêu hóa. Trẻ chán ăn, ủ rũ, kém linh hoạt. Suy dinh dưỡng thể teo lượng tốt hơn thể phù vì tổn thương các cơ quan ít hơn.
-
Suy dinh dưỡng thể hỗn hợp: Là sự phối hợp giữa suy dinh dưỡng thể teo và suy dinh dưỡng thể phù. Do trẻ không được cung cấp đủ protid và năng lượng.
CHẾ ĐỘ DINH DINH DƯỠNG CHO TRẺ SUY DINH DƯỠNG
Bữa chính chất lượng
- Chọn loại thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi. Nếu bạn đã nấu và để quá ba giờ thì phải hâm lại trước khi cho trẻ ăn. Không cho trẻ ăn thức ăn để qua đêm.
- Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, đảm bảo cung cấp năng lượng cho trẻ cao hơn bình thường, bởi khi suy dinh dưỡng, trẻ không chỉ cần năng lượng để hoạt động mà còn cần thêm dinh dưỡng để cấu thành và phát triển cơ thể: nếu bé đang giai đoạn bú mẹ cần duy trì đến khi bé được 18 -24 tháng tuổi. Nếu bé được 1-2 tuổi cần cho ăn thêm bốn bữa/ngày kết hợp bú mẹ. Và trẻ từ 3-6 tuổi thì cho ăn 5-6 bữa/ngày.
- Chú ý phản ứng bé khi ăn để có thể điều chỉnh nêm nếm thức ăn sao cho hợp lý.
- Nhớ cho thêm dầu mỡ vào thức ăn để tăng thêm năng lượng, cũng như giúp hấp thu hiệu quả các vitamin tan trong dầu.
Thường xuyên đổi món
Cần thay đổi thường xuyên những món ăn để bé hấp thu dễ và không có phản ứng chán ăn, giúp bé nhận biết được các mùi vị để không bị hành thành tính kén cá chọn canh về sau này.
Không ép bé ăn
Việc ép bé ăn hết một lượng thức ăn nhất định sẽ làm bé càng muốn chống lại và càng không muốn ăn. Hãy bình tính xem xét xem bé thích ăn khẩu vị ra sao, thực phẩm như thế nào và phải luôn tạo một không khí vui tươi khi ăn. Bạn nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần, và đặc biệt nếu bé không ăn không được dọa nạt bé.
Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé ở hiện tại và tương lai. Làm bậc cha mẹ hãy cố gắng chăm sóc cho bé yêu đúng cách để bé có thể phát triển toàn diện cùng bạn bè bạn nhé.