Ở vùng nông thôn, nếu có dịp nhìn thấy tổ của con đỉa với chi chít lỗ và nhìn vào tay, chân của người mắc bệnh này mới thấy sự đau khổ biết bao cho người bệnh. Vì có hình dạng giống tổ của con đỉa nên người ta đặt tên cho bệnh chứng này là bệnh “Tổ đỉa”.
Bệnh tổ đỉa
Tổ đỉa có tên khoa học là Dysidrose, là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 20 đến 40, nam nữ có tỷ lệ bằng nhau.
Bệnh khu trú ở lòng bàn tay, chân. Ở bàn tay gọi là “Nga chưởng phong”, ở chân gọi là “Cước thấp khí”.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Theo y học hiện đại: Nguyên nhân mắc bệnh rất đa dạng và phức tạp, một số yếu tố liên quan như dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp như xăng dầu, xà phòng, xi măng, do nhiễm khuẩn trong khi tiếp xúc với bùn đất, nước bẩn hay gặp nhất là do liên cầu trùng trong thể tổ đỉa nung mủ, do dị ứng với nhiễm nấm ở kẽ chân, do thay đổi thời tiết theo mùa, do ảnh hưởng của ánh sáng và nóng ẩm.
Tổ đỉa ở chân- “Cước thấp khí”
- Theo y học cổ truyền: do phong nhiệt và thấp nhiệt kết hợp gây bệnh. Ở tay thường do phong là chủ yếu, ở chân thường là do thấp. Nếu bệnh kéo dài bị bội nhiễm thì do thấp và nhiệt phối hợp.
Tổ đỉa ở tay- “Nga chưởng phong”
Triệu chứng:
Bệnh biểu hiện là mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đặc biệt ở mé bên của ngón tay, lòng bàn tay, mặt trên - mặt bên và mặt dưới ngón chân, lòng bàn chân. Bệnh không bao giờ vượt lên mé trên cổ tay và cổ chân. Mụn nước ăn sâu vào thượng bì làm da nổi gồ lên, hình tròn, rải rác hay xếp thành chùm, sờ vào mụn nước thấy chắc, cảm giác như có một hạt gì nằm xen trong da, kích thước khoảng 1-2mm, có thể trở thành bóng nước nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân. Các mụn nước thường xẹp đi và teo đét chứ không tự vỡ, thường có màu hơi ngà vàng, khi bong ra để lộ một nền da hồng, hình đa cung hoặc tròn, có viền vảy xung quanh, kèm theo rất ngứa, càng gãi càng ngứa. Bệnh thường kéo dài khoảng 2-4 tuần, tróc vảy rồi lành và bệnh hay tái phát.
Điều trị:
Một số bệnh nhân sau khi bị tổ đỉa và đã được điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi, thuốc đắp,…tuy vết thương khỏi nhưng da chỗ bị tổn thương bị sần sùi, sừng hóa, lâu ngày không khỏi…Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, cho bệnh nhân dùng ngay nước miếng của chính mình, lúc sáng sớm mới thức dậy, chưa súc miệng, bôi đều lên vùng da bị tổn thương, bôi 10-20 lần, sau đó để cho khô, 30 phút sau mới rửa nước sạch. Bôi như vậy khoảng 15 ngày trở lên, vùng da sần sùi trở nên bóng láng gần như bình thường.
Dùng nước miếng bôi giúp da phục hồi lại, tuy là kinh nghiệm của dân gian nhưng lại là cách áp dụng rất khéo léo về y lý của cha ông chúng ta để lại. Tuy chỉ là kinh nghiệm dân gian nhưng có tính lý luận rất sâu sắc.